CHẤN THƯƠNG LÁCH: CHỈ ĐỊNH VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT ĐỨC 2014 – 2015

0 Lượt tải

0 Lượt chia sẻ

452 Lượt xem

Chuyên mục: Ngoại khoa
Loại: Tài liệu Tiếng Việt
Tác giả: Trần Ngọc Dũng, Trần Bình Giang, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Đức Tiến, Kim Văn Vụ (Trường Đại học Y Hà Nội), (Bệnh viện Việt Đức)
Năm xuất bản: 2021
Dung lượng: 0.1 MB
Giá tiền: 0.2đ

Hãy đăng ký tài khoản để tích lũy điểm thưởng khi chia sẻ hoặc đóng góp tài liệu

Mô tả

Vỡ lách là thương tổn hay gặp trong chấn thương bụng kín, trong đó chấn thương lách chiếm tỷ lệ cao so với các cơ quan khác trong ổ bụng. Theo Raza và cộng sự, trong số 963 bệnh nhân chấn thương bụng kín được điều trị không phẫu thuật thì chấn thương lách chiếm 30% [1]. Theo thống kê tại Bệnh viện Việt Đức trong thời gian từ 08.2005 – 07.2006 trong 132 trường hợp chấn thương bụng kín (CTBK) phải mổ vì tổn thương tạng đặc thì số vỡ lách là nhiều nhất chiếm 31,8% [2]. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội là sự gia tăng về tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và lao động. Đây là những yếu tố làm cho tỷ lệ chấn thương bụng kín nói chung và chấn thương lách nói riêng không hề suy giảm mà ngày càng phức tạp.

Lịch sử điều trị chấn thương lách trong chấn thương bụng kín đã có từ lâu. Trước đây, tất cả các trường hợp lách vỡ đều được cắt bỏ, ngay cả khi chỉ là một thương tổn nhẹ và cắt lách toàn phần để cầm máu là một phẫu thuật tiêu chuẩn trong điều trị vỡ lách do chấn thương, mặc dù những nguyên lý của việc điều trị không mổ vỡ lách đã được biết tới ngay từ thế kỷ XVI (Zaccarelli 1549, Baloni 1578, Viard 1590), và trường hợp cắt lách bán phần đầu tiên đã được Matthias thực hiện vào năm 1678 [3]. 

Trong những thập kỷ qua, khi mà giải phẫu và chức năng của lách được nghiên cứu và hiểu rõ hơn, thì vấn đề bảo tồn lách được nhiều tác giả nghiên cứu và ứng dụng. Từ phẫu thuật khâu lách tổn thương của Dreska năm 1930 và của Mazel năm 1932 [4], cắt lách bán phần của Campos Christo năm 1965 [4] hay dùng keo sinh học cầm máu đường lách vỡ do Mosgentern [5] thực hiện và Butain [4] dùng tấm lưới tự tạo bằng vicryl để bọc lách vỡ cầm máu đến bảo tồn không mổ. 

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học nói chung và chẩn đoán hình ảnh nói riêng, việc điều trị chấn thương lách đã có những bước tiến bộ quan trọng: vỡ lách còn có thể bảo tồn bằng can thiệp mạch. [6-8]

Như vậy, điều trị vỡ lách do chấn thương có nhiều phương pháp khác nhau, tuy nhiên, mỗi phương pháp chỉ phù hợp với những chỉ định nhất định.

Đứng trước những vấn đề đó, chúng tôi nghiên cứu đề tài với mục tiêu: Nghiên cứu chỉ định và đánh giá kết quả điều trị chấn thương lách trong chấn thương bụng kín.